Kiếm trăm triệu mỗi tháng nhờ cosplay nhân vật anime, manga

Thoát khỏi ánh mắt kỳ thị của xã hội, những cosplayer chuyên nghiệp dần khẳng định mình như một công việc thực thụ. Mặc lên mình các bộ trang phục và kẻ lên mặt những đường trang điểm, họ đang vất vả lao động để theo đuổi mức thu nhập 5 chữ số hàng tháng.

Kiếm trăm triệu mỗi tháng nhờ công việc cosplay! Liệu có dễ dàng đến như vậy?

Từ sở thích cho đến nghề nghiệp

“Cosplay” (costume play) có nguồn gốc từ Nhật Bản vào những năm 1980, khởi nguồn của văn hóa anime/manga và nay đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa này. Trong quá khứ, đó được coi là công việc kỳ lạ của một nhóm người thiểu số. Những người say mê anime/manga này mặc váy hay quần áo, trang điểm và đội tóc giả,… sao cho thật giống với nhân vật họ yêu thích.

Bắt đầu chỉ là sở thích cosplay các nhân vật không có thật, tự chế đồ cosplay như áo giáp và quần áo, phụ kiện như một niềm vui trong cuộc sống hàng ngày. Dần dần, cosplay trở thành một hoạt động mà họ không thể tách rời, một công việc toàn thời gian như các nghề nghiệp khác. Khi đại dịch ập đến khiến họ không thể tham dự các sự kiện hay thực hiện các bộ ảnh, mất đi một nguồn thu chủ lực, các cosplayer xoay sở thành những KOL cho các nhãn hàng.

Một trong các cosplayer nổi tiếng nhất Nhật Bản

Theo báo cáo từ Allied Market Research, thị trường cosplay toàn cầu có giá trị ước tính hơn 4,6 tỷ USD năm 2020 và vẫn đang tăng trưởng, nhờ vào sự bùng nổ của văn hóa anime/manga. Một trong những thành công điển hình trong giới cosplay chính là Enako, một cosplayer chuyên nghiệp người Nhật. Cô gái 27 tuổi từng tiết lộ kiếm được hơn nửa triệu USD một năm (hơn 10 tỷ đồng), thông qua bán hàng hóa ăn theo và đi dự sự kiện, làm mẫu ảnh cho tạp chí…

Mỗi tháng kiếm hơn 10.000 USD

Enako là một trong các cosplayer nổi tiếng nhất Nhật Bản, có hơn 1,6 triệu người theo dõi trên Instagram, trên Twitter là hơn 1,3 triệu. Thậm chí, Enako có hẳn một chương trình TV tên là Neko Shika Katan trên kênh Osaka TV, cũng như phát trực tiếp trên YouTube. Với lượng người hâm mộ đông đảo, Enako tham dự nhiều sự kiện như một người nổi tiếng.

Năm 2016, Enako từng nói với truyền thông Nhật Bản về số tiền mà có thể kiếm được hàng tháng. Đó là 1 triệu yên – khoảng 10.000 USD (hơn 200 triệu đồng) – chỉ bằng cosplay và làm người mẫu, chưa bao gồm nhiều nguồn thu khác. Và đó là thời điểm 5 năm trước, càng nổi tiếng, Enako càng kiếm được nhiều hơn.

Tại hội chợ Nhật Bản Comiket năm 2018, chỉ trong một ngày cô đã kiếm được gần 100.000 USD (hơn 2 tỷ đồng) từ người hâm mộ. Năm 2019 cũng đạt doanh số tương đương như vậy.

Enako có thể kiếm được gần 2 tỷ đồng trong một ngày ở sự kiện Comiket (ảnh: Enako)

Enako kiếm tiền nhiều đến nỗi, ngay chính người hâm mộ của cô cũng phải shock. Họ từng yêu cầu cô phải lên tiếng xin lỗi vì đã khoe khoang sự giàu có của mình, ngay cả khi đại dịch COVID-19 gây khó khăn cho thế giới. Hơn nữa, so với mức thu nhập trung bình  hàng tháng của người Nhật, số tiền mà Enako kiếm được cũng quá chênh lệch. Ước tính, một người Nhật bình thường chỉ có thể kiếm được hơn 3.500 USD mỗi tháng, chưa bằng nửa thu nhập từ cosplay của cô gái 27 tuổi.

Và tất nhiên, đây không phải trường hợp duy nhất. Cosbiz đã nói chuyện với một vài cosplayer chuyên nghiệp khác tại châu Á. Ở bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tìm thấy vài người như vậy, kiếm hàng tháng số tiền 5 chữ số nhờ công việc cosplay nhân vật anime và manga. Làm thế nào mà thu nhập của họ có thể cao đến vậy ngay từ khi còn trẻ?

Trở thành cosplayer chỉ từ 1 tấm ảnh

Một trong những cosplay chuyên nghiệp hàng đầu Đông Nam Á là người mẫu lưỡng tính – Hakken (không phải tên thật). “Họ” (cách gọi một người lưỡng tính) sống ở Malaysia và mới chỉ 23 tuổi, trẻ hơn rất nhiều người đang đọc bài viết này. Sự nghiệp cosplay của họ bắt đầu khi mới 13 tuổi nhưng chỉ “cất cánh” khoảng 3 năm gần đây. Bây giờ, họ có hơn 2,7 triệu người theo dõi trên Instargram và 1,2 triệu người trên Facebook.

Hakken cosplay nhân vật Itachi Uchiha trong franchise ‘Naruto’  (ảnh: cosplayer Hakken)

Trả lời Cosbiz, họ cho biết: “Sự nghiệp của tôi khởi đầu từ khoảnh khắc tôi đăng một tấm ảnh lên mạng, đó là ảnh cosplay nhân vật Itachi Uchiha của bộ Naruto. Tài khoản mạng xã hội của tôi bùng nổ lượt theo dõi kể từ đó. Tôi cũng đã tự định hình phong cách của bản thân. Thay vì cố tái hiện lại hình ảnh theo phong cách 2D, tôi cố gắng trang điểm và tạo vẻ ngoài sao cho tự nhiên nhất có thể, song song với việc tưởng tượng nhân vật nếu có thật ngoài đời thì sẽ ra sao”.

“Đồ nghề” của các cosplay thường có giá đắt đỏ và là rào cản chính đối với các ‘lính mới’, Hakken thừa nhận với Insider, một bộ đồ cosplay bình thường có chi phí khoảng 100 đến 500 USD. Việc chụp ảnh đã bao gồm cả hành trình di chuyển đến các điểm chụp, có thể tiêu tốn đến 25.000 USD để thực hiện một bộ ảnh ưng ý. Trang phục càng cầu kỳ, chi phí sẽ càng cao.

Tuy vậy, Hakken cho biết công sức bỏ ra thường được đền đáp xứng đáng.

Thu nhập 4-5 chữ số mỗi tháng

“Có những tháng thuận lợi, tôi có thể kiếm được 20.000 đến 30.000 USD từ việc bán hàng hóa ăn theo và nhận thỏa thuận hợp tác với các nhãn hàng. Vào tháng trung bình, thu nhập giảm xuống khoảng 5.000 đến 6.000 USD”. Insider đã tiến hành xác minh những thông tin này một cách độc lập, và chúng không hề nói quá.

Bộ ảnh cosplay nhân vật trong ‘Jojo’s Bizzare Adventure’ cần đến 25.000 USD để thực hiện, khi Hakken phải bay sang tận Ý để chụp (ảnh: cosplayer Hakken)

Chia sẻ về công việc chụp ảnh, Hakken nói mình rất cầu toàn. Từng bộ ảnh phải thật chỉn chu trước khi được tung ra. “Vào cái lúc tải chúng lên, chúng tôi muốn ảnh phải thật hoàn hảo”. Và khi họ nổi tiếng dần trên mạng, các nhãn hàng sẽ chú ý và tìm đến để hợp tác.

Hakken nhanh chóng mở rộng ra ngoài việc bán photo book và các tấm ảnh in. Họ ký hợp đồng quảng cáo sản phẩm với các công ty phụ kiện gaming, tham gia những chiến dịch quảng bá du lịch… Rồi sau đó là lĩnh vực thời trang. Hakken tung ra những bộ sưu tập trang sức cộng tác cùng những hãng bán lẻ Sixtypercent (Nhật), Twentyone (Hàn). Chúng bán rất chạy.

“Khi bạn không còn xem đó chỉ là việc làm cho vui nữa. Nó trở thành một công việc kiếm tiền thực sự” – Hakken bộc bạnh với Insider.

Thành công chỉ là thiểu số

Việc lên đồ, tạo dáng giống nhân vật anime/manga nghe có vẻ hấp dẫn, đứng trước ống kính lộng lẫy như một người mẫu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nó thường chỉ là một phút huy hoàng có được sau hàng giờ lao động vất vả trước đó.

Không phải ai cũng có thể nổi tiếng dễ dàng khi trở thành cosplayer (ảnh: cosplayer Kiyo)

Nghe về những con số thu nhập hoành tráng nhưng bạn đừng tưởng cosplay “dễ ăn” như vậy. Tan Zhao Han, giám đốc công ty quản lí hoạt động cosplay Geist Productions chia sẻ: “Tôi luôn dặn dò các tài năng trẻ của mình rằng, họ chỉ có thể tồn tại được một thời gian ngắn trong ngành. Bởi ngoại hình của con người không thể kéo dài mãi. Hơn nữa, điều quan trọng là nhóm người thành công chỉ là thiểu số mà thôi”.

Tan quản lí nhiều cosplayer ở Canada, Việt Nam và Singapore, nhận hợp đồng quảng cáo cho Uniqlo, Monster Energy… Trong cả biển người lao vào bộ môn cosplay với niềm đam mê tuổi trẻ, sẽ chỉ có 0.01% trở nên nổi tiếng. Một đấu trường và chỉ có vài người cuối cùng thực sự có thể bật lên, “viral” trên mạng xã hội.

Vắt kiệt tuổi trẻ

Trong đại dịch, khi mà hàng ngàn người bị mất việc hoặc thu nhập giảm, các cosplayer của Tan vẫn có thể kiếm được 10.000 USD chỉ trong một quý. Yosuke Sora, một cosplayer mới chỉ hơn 20 tuổi thuộc công ty Tan, nói với Insider rằng mình “bận túi bụi” suốt ba tháng trời, vì chạy chiến dịch quảng cáo cho Porsche và Skechers.

Các cosplayer phải đối mặt với áp lực sáng tạo ra nhiều nội dung mới, tham gia các loại hình giao lưu với người hâm mộ để giữ nhiệt (ảnh: cosplayer Kiyo)

“Tôi có khoảng 10 thỏa thuận vào quý trước. Và tôi cũng dành hết cả buổi tối lẫn cuối tuần cho công việc cosplay. Nó mang về khoản lợi nhuận khổng lồ, đồng ý. Nhưng áp lực tạo ra nội dung mới không ngừng cũng dẫn đến căng thẳng vô cùng”.

“Trong ngành công nghiệp này, hoặc là một bữa tiệc thịnh soạn hoặc chỉ là một cái bụng trống không. Song, nếu bạn chịu khó đầu tư thời gian và công sức để bắt kịp xu hướng, vẫn có khả năng xây dựng được một công việc đàng hoàng. Tất nhiên, cũng cần phải có lợi thế ngoại hình và một chút may mắn” – Tan nói.

Theo anh, rồi cũng đến một ngày, bạn tỉnh dậy và biết đến một cosplayer khác trẻ hơn, ngoại hình ưu tú hơn, nổi tiếng hơn bạn. Vì ngành công nghiệp đang trở nên bão hòa, ai cũng cần phải chăm chỉ ngay khi còn có thể.

Thực tế, đại dịch COVID-19 khiến nhiều sự kiện ngoài trời bị hủy, dẫn tới nguồn thu của nhiều cosplayer chuyên nghiệp bị ảnh hưởng.

Một bài đăng quảng cáo của cosplayer Rithe (ảnh: cosplayer Rithe)

Đa dạng nguồn thu vì dịch

Một cosplay chuyên nghiệp khác là Rithe, sống ở Singapore. Cô gái 24 tuổi nói với Insider rằng thu nhập đã bị giảm đáng kể vì đại dịch. Là một cosplayer toàn thời gian, cô kiếm được khoảng 2.000 đến 3.000 USD từ việc bán hàng hóa, sách ảnh (photo book). “Hồi trước dịch, kiếm được 2.000 USD trong một tuần nhờ sự kiện anime nào đó không phải điều vô lý. Nhưng may mắn là tôi vẫn có thu nhập ổn định bây giờ, chủ yếu từ bán hàng hóa” – Rithe nói.

Một cosplayer khác là Kiyo, thực sự nghĩ đại dịch có ảnh hưởng đáng kể. Cô kiếm được rất nhiều từ việc dự các sự kiện anime ngoài trời, nhưng bây giờ phải bán ảnh thông qua nền tảng OnlyFans hoặc các sản phẩm độc quyền qua Patreon.

Cô gái 24 tuổi có hơn 250.000 người hâm trên Instagram và hơn 100.000 người trên Twitter, bây giờ cũng tham gia cả streaming game. Cô chơi một số trò chơi như Overwatch, Valorant trên nền Twitch để tiếp cận và mở rộng người hâm mộ. Đồng thời, Kiyo cũng làm việc với các nhãn hàng như Secretlab hay Razer để quảng cáo sản phẩm.

Hàng tháng, Kiyo kiếm được khoảng 6.000 USD từ các hoạt động này.

Nguồn: Business Insider